“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố
mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả
đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung!”
Đó là những dòng tâm sự đầy xúc động trong lá thư gửi con của một người
tên Pierre Antoine (Việt kiều Pháp). Lá thư này khi được đăng trên nhiều trang
mạng và các blog đã khiến cư dân mạng thổn thức.
Với giọng văn nhẹ nhàng như vỗ về con vào giấc ngủ, người viết đã kể ra
rất nhiều phiền phức mà người già thường gặp phải như ăn uống rơi vung vãi,
không tự tắm rửa được thường xuyên, ít hiểu biết về đời sống văn minh, đãng trí
hoặc không nhớ hết những gì con nói…
Mỗi dòng tâm sự là lời nhắc nhở con về khoảng thời gian khi con còn thơ
ấu và khi bố mẹ đã già đi. “Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì
bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ lúc con
chào đời” - đó là mong muốn không chỉ của tác giả Pierre Antoine mà còn của rất
nhiều bậc cha mẹ có con cái trưởng thành.
Lá thư này đã nhanh chóng chạm đến trái tim những đứa con khiến họ phải
xem xét lại thái độ và tình cảm của mình đối với bố mẹ. Bạn có nick Manly Girl
trên diễn đàn sinh viên ĐH Văn Lang xúc động: “Bài viết thật ý nghĩa. Đọc đến
dòng 9 thì mình khóc... Nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi với ba mẹ thiệt... nhất
là cách ăn nói với ba mẹ... cả mấy vụ cãi mẹ ngang xương nữa... Không biết mẹ
đã khóc vì mình bao nhiêu lần... vẫn biết sai đấy nhưng không chịu sửa... và
nhiều lần cố sửa nhưng không sửa được...”.
Không những vậy, rất nhiều bạn trẻ đã chia sẻ lá thư này trên Facebook,
blog… kèm theo những dòng tâm sự bày tỏ sự hối hận của mình khi chưa làm tròn
chữ hiếu với cha mẹ. Nhiều bạn cho biết đã gọi điện về cho bố mẹ ở xa ngay sau
khi đọc lá thư này. Có bạn đã ngay lập tức trở về thăm gia đình vì “thấy thương
bố mẹ quá”.
Anh N.T.Lâm (nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Đọc những dòng tâm sự này,
tôi chợt nghĩ về ba mẹ mình. Ba mẹ đã già, nhiều lúc khó tính, thậm chí còn làm
nũng như trẻ con, nhiều lúc tôi cằn nhằn lại ba mẹ. Nhưng giờ tôi thấy thương
ba mẹ mình nhiều hơn. Chợt thấy mình bất hiếu quá. Cha mẹ nuôi con biển hồ lai
láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”.
Chúng tôi đăng nguyên văn bức thư để bạn đọc tham khảo và chia sẻ:
“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu
như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn
cái mặc... Xin con hãy bao dung!
Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con
bao điều lúc thuở bé.
Nếu như bố mẹ cứ lặp đi lặp lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng
bao giờ cắt đứt lời bố mẹ... mà hãy lắng nghe!
Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện
hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ... và bố mẹ đã làm vì con.
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố
mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.
Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về
con trước khi tắm.
Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại
ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ có thời gian tìm hiểu.
Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều... từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và
phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để
bố mẹ đôi chút thời gian suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi,
đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố
mẹ là được nhìn con, đưọc gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!
Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!... vì bố mẹ biết khi nào bố
mẹ đói hay không.
Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố
mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập cho con trẻ những bước đi
đầu đời.
Và mỗi ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng... bố mẹ
không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.
Con đừng oán giận và buồn khổ... vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ
khi thời gian sẽ tới với con.
Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho
xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!... và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ
"sinh tồn".
Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng
phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.
Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước
sự già nua của bố mẹ.
Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và
cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ khi lúc con chào đời.
Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều...
Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại...
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình
thương để lại trong con.
Thương con thật nhiều...
Bố mẹ..."
Sau khi bài viết được đăng tải, rất
nhiều bình luận, tâm sự của bạn bè, độc giả được chia sẻ trên trang cá nhân
của nhạc sĩ Dân Huyền. Xin được phép trích đăng một vài dòng ý kiến trong số
đó:
Nguyễn Thị Kim Cúc: Anh Dân Huyền Phạm (tức nhạc sĩ Dân Huyền)
ơi, em đã khóc khi đọc bài này. Càng ngẫm nghĩ càng thấy tấm lòng vời vợi của
cha, mẹ dành cho con sao ấm áp, sao thiêng liêng là vậy. Hạnh phúc cho những
ai còn cha, còn mẹ để được chăm sóc, nâng giấc những bậc sinh thành khi tuổi
già, sức yếu. Cám ơn anh đã chuyển "Bức thư bố mẹ gửi con" để mọi
người cùng đọc và cùng suy ngẫm.
Yeu Tho Tinh: Sẽ có rất nhiều người là bậc Cha Mẹ muốn nhắn
nhủ con như vậy, nhưng ít ai viết thành lời! Hiếu nghĩa của Cha Mẹ đối với
Ông Bà Tiên Tổ sẽ là những tấm gương cho các thế hệ con cháu noi theo. Nên
thật sự đối với con, lễ nghĩa là trên tất cả Bác ạ. Cảm ơn Bác đã chia sẻ một
câu chuyện quý giá và Nghĩa Tình... kính chúc Bác nhiều sức khỏe.
Pham Nhuyen: Hay lắm thầy ơi, thầy chia sẻ bức thư này thật
chí lý. Ai cũng có con, rồi ai cũng làm bố làm mẹ rồi cũng phải già đi. Những
con người có lương tâm lấy đó mà suy ngẫm. Cám ơn thầy đã chia sẻ.
Gia T Dai: Đọc bức thư này, cháu lại nhớ đến câu “Bố bón
cho con ăn - Bố cười, con cười. Con bón cho Bố ăn - con khóc, Bố khóc”. Bức
thư hay lắm bác ạ, rất tâm lý và sâu sắc.
Xuân Lê Anh: Cháu chịu Chú rồi. Chú sưu tầm và đăng một bức
thư với nội dung sâu sắc, ý nghĩa và mang đầy tính nhân văn. Cháu nghĩ rằng:
bất kể ai xem bức thư này xong sẽ tự điều chỉnh cách đối xử với cha mẹ mình
khác hơn. Cảm ơn Chú!
|
Nhạc sĩ Dân Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét